Vietstock - Điều chỉnh để đi lên mạnh mẽ hơn?
Không hề dễ dàng để VN-Index vượt qua vùng đỉnh 9 năm và thu hút luồng vốn mạnh mẽ đến thế. Vậy, nó cũng không dễ dàng “phân phối đỉnh” và đi xuống một cách giản đơn và “dễ dãi” như thế. Việc điều chỉnh giảm ngay sát thời điểm công bố báo cáo tài chính quý 2 cũng góp phần tạo một bộ lọc tự nhiên, giúp thanh lọc và làm lộ diện những cổ phiếu yếu kém.
Phiên giao dịch 07/07/2017 đã khởi tạo một chuỗi những lo lắng trong lòng nhà đầu tư khi dòng tiền rút mạnh khỏi nhóm chứng khoán - ngân hàng. Đặc biệt ở nhóm chứng khoán gồm HCM, SSI, VND, SHS, CTS ... bất chấp các thông tin hỗ trợ như "SSI - Thị phần bằng 2 công ty chứng khoán đứng sau cộng lại". Áp lực giảm từ các mã vốn hóa lớn, trong đó có nhóm ngân hàng cũng bất chấp nhóm này lần lượt hé lộ dự báo kết quả kinh doanh quý 2 tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ. Riêng trong phiên giao dịch ngày thứ 6, VN-Index chốt phiên giảm 6.9 điểm (tương đương 0.88%) thì có sự đóng góp 4.6 điểm của: VNM (-1.953 điểm), VCB (-0.953 điểm), VIC (-0.43 điểm), CTG (-0.531 điểm), PLX (- 0.791 điểm).
Sự giảm điểm của phiên cuối tuần kèm theo thanh khoản cao. Các chỉ báo động lượng RSI và MACD đồng thuận cho phân kỳ âm với giá cho thấy đà tăng đang bị chững lại. Phiên giao dịch đầu tuần tiếp tục được “khẳng định” tín hiệu điều chỉnh này khi phần lớn các mã đóng cửa ở vùng thấp nhất phiên, đặc biệt là nhóm chứng khoán – ngân hàng.
Trong diễn biến ngắn hạn, thị trường cần “hạ nhiệt” sau quá trình tăng giá kéo dài để đi lên mạnh mẽ và lành mạnh hơn. Thực tế, VN-Index đã tăng điểm 6 tháng liên tiếp, chỉ với một nhịp điều chỉnh thứ cấp với mức giảm khiêm tốn 4%.
Đà tăng sẽ được nâng đỡ bằng cả yếu tố nội lực và ngoại lực
Những tín hiệu tích cực từ vĩ mô bao gồm cả nội lực và ngoại sẽ là những nhân tố đem lại bức tranh tươi sáng cho thị trường chứng khoán 2017 - 2018.
Nội lực tăng tưởng của thị trường đến từ sức mạnh nội tại của nền kinh tế: Tăng trưởng GDP tiếp tục cao hơn cùng kỳ 2016, lạm phát được kiểm soát và giảm dần, duy trì dưới 5%. Các chính sách vĩ mô nhằm hỗ trợ và điều tiết thị trường liên tục được ban hành thông qua công cụ lãi suất. Mà gần nhất là việc giảm lãi suất điều hành 0.25%/năm và giảm 0.5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn.
Sức tăng trưởng của nền kinh tế kéo theo kết quả kinh doanh tích cực của khối doanh nghiệp. Phần lớn các doanh nghiệp niêm yết đều báo lãi tăng trưởng so với cùng kỳ 2016. Đặc biệt là nhóm bất động sản, tài chính - chứng khoán - ngân hàng, sản xuất - tiêu dùng. Các ngân hàng lớn lần lượt công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 ấn tượng so với cùng kỳ 2016.
Làn sóng cổ phần hóa đưa lượng lớn doanh nghiệp lên sàn, mở rộng quy mô thị trường và "thay mới" không ít những bluechip quen thuộc. Từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư bắt đầu làm quen với sự có mặt và tác động chỉ số của những ông lớn như SAB, BHN, VJC, PLX, ... Bên cạnh đó, việc khởi động thị trường chứng khoán phái sinh cũng đưa "chất lượng" thị trường Việt Nam lên một tầm cao mới, chuẩn mực mới, chuyên nghiệp và minh bạch hơn. Thu hút vốn đầu tư ngoại mạnh mẽ. Chất lượng nhà đầu tư tham gia thị trường cũng được cải thiện đáng kể so với giai đoạn sơ khai 2006 - 2010 cũng là yếu tố quan trọng giúp thị trường đi lên bền vững và phòng tránh được tối đa những rủi ro không đáng có.
Các yếu tố ngoại lực nâng đỡ thị trường thể hiện ở luồng vốn mạnh mẽ từ khối ngoại đổ vào thị trường trong suốt 6 tháng đầu năm. Từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư ngoại đã mua ròng 9,200 tỷ trên 2 sàn. Đây cũng là mức mua ròng lớn nhất kể trong lịch sử 16 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính trên tổng vốn đầu tư, 6 tháng đầu năm 2017, khối ngoại đã đầu tư hơn 19 tỷ USD vào Việt Nam (+54% so với cùng kỳ), trên tất cả các lĩnh vực.
Kết thúc tuần 03/07 - 07/07/2017, khối ngoại đã mua ròng tuần thứ 9 liên tiếp, kể từ phiên giao dịch 22/05/2017. Mốc này được xem là một mốc đáng chú ý khi chỉ số nhảy qua kháng cự 730+/- bằng sự quyết đoán tuyệt đối: tạo một gap lớn ngay phiên mở cửa. Kể từ đó đến nay, VN-Index hình thành một trend tăng khá mạnh, hầu như chưa có sự điều chỉnh, chỉ đơn thuần là các rung lắc trong phiên với biên độ dưới 1%.
Thanh khoản của phiên 07/07/2017 đạt 237 triệu đơn vị, cao hơn thanh khoản trung bình 20 phiên trước đó 16%. Chưa thể xem đây là dấu hiệu cảnh báo phân phối đỉnh như nhiều nhà đầu tư đang lo lắng. Thực tế cho thấy, các giai đoạn phân phối đỉnh trong lịch sử của VN-Index (với quá trình điều chỉnh tính bằng tháng) thường bắt đầu bằng những phiên giảm điểm với thanh khoản cao hơn tối thiểu 30% so với thanh khoản trung bình 20 phiên.